Friday, February 23, 2007

Chư Tăng Ni Việt Nam Tương Hội Đức Đạt Lai Lạt Ma



Chư Tăng Ni Việt Nam Tương Hội Đức Đạt Lai Lạt Ma

Việt Báo số 1912, đề ngày Thứ Năm, 29-06-2000 có bài tường thuật Ngày Tương Hội đầu tiên giữa chư tăng ni Việt Nam và Đức Đạt Lai Lạt Ma, với bài viết của Kim Chi và hình ảnh của Lê Phúc. Sau đây là phần trích từ bài tường thuật:

Vào lúc: 9:30 sáng Thứ Hai 26 tháng 6 năm 2000, ngày Tương Hội đầu tiên của Thiên Niên Kỷ giữa chư Tăng Ni Việt Nam hải ngoại và Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng, đã diễn ra trong niềm vui hòa ái, tại khách sạn Ommi, Los Angeles.

Trên một trăm chư Tôn Đức Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại đã đáp lời mời của Ban Tổ Chức, hoan hỉ vân tập về Los Angeles, tham dự buổi gặp gỡ lịch sử này.

Với nụ cười hiền hòa, ánh mắt từ bi và vòng lưng cong khi cúi chào, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngay phút đầu xuất hiện, đã mang lại cho buổi tương hội sự hòa ái, hoan hỉ.

Sau phần tụng bài Tâm Kinh do Chư Tăng Ni Việt Nam đồng tụng và bài Tâm Kinh do Đức Đạt Lai Lạt Ma và chư Tăng Tây Tạng đồng tụng, trong phần diễn văn chào mừng, Hòa Thượng Thích Hộ Giác đã đại diện Chư Tăng Ni Việt, ngỏ lời chào mừng và bày tỏ niềm mến phục đức độ hoằng pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại các quốc gia Tây phương.

Trong phần đáp từ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bày tỏ niềm xúc động, lần đầu tiên tiếp xúc với Tăng đoàn Việt Nam đông đảo như thế này, dầu là trong quá khứ Ngài đã có cơ duyên gặp gỡ một số chư Tăng Ni Việt Nam qua công cuộc hoằng pháp. Đức Đạt Lai Lạt Ma đặc biệt tán thán "nghị lực tồn tại và tâm thành" của người Việt Nam, trong vấn đề bảo tồn và phát huy Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng như tại Việt Nam.

Nói về sự hoằng pháp Phật giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma xác quyết một điểm quan yếu, đó là, trãi qua nhiều giai đoạn lịch sử, đạo Phật được phát triển tại các nước trên thế giới, là do sự cảm nhận của người dân tại đất nước đó về các lợi lạc do sự hành trì pháp của Phật, chứ không do sự cưỡng bách theo tôn giáo này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói thêm rằng, căn bản của sự hành trì Phật giáo Tây tạng đặt trên sự quan trọng của chánh kiến. Sự hiểu biết đúng (chánh) về mọi sự việc, về các pháp, chân thật như thế ( như thị), sẽ dẫn dắt đến một sự hành trì chân chánh đúng đắn, và từ đó sẽ đến chánh quả, tức là kết quả đúng đắn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bày tỏ quan điểm của ngài về giá trị vật chất ở các nước tân tiến. Theo đó, trong một quốc gia chậm tiến con người phải đối đầu với cuộc vật lộn hàng ngày cho miếng cơm manh áo và sự sống còn, nên không mấy cảm thấy sự thiếu thốn về tâm linh. Ngược lại, tại các xứ tân tiến, nơi nhu cầu ăn mặc căn bản tạm ổn định, những thiếu thốn về tâm linh gia tăng.

(Trích bài tường thuật)
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=103053

No comments: